Thứ sáu, 2024-04-26, 4:12 AM
DANH MỤC CHÍNH

>>CHIA SẺ <<
Bản ghost windows 7 ( 32bít )
Bản ghost windows 10(32bít )
Bài tập trắc nghiệm ôn thi cuối kì 2 môn Khoa học, lịch sử và địa lí lớp 5

Search

Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về web của tôi ?

Tổng số ý kiến: 44

Lượt truy cập

TS lượt truy cập hôm nay: 1
Khách : 1
Quản trị viên : 0

>>DANH BẠ WEB <<
Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
Tic office PGD Châu Thành
Nhập liệu hồ sơ công chức
Cổng dịch vụ công quốc gia

Home » Articles » Phương pháp dạy học

DẠY HỌC THEO NHÓM
  Chúng ta biết rằng, dạy học theo nhóm là hình thức giảng dạy đặt học sinh vào môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh được tổ chức thành nhóm một cách thích hợp. Học hợp tác nhóm giúp các em rèn luyện và phát triển kĩ năng làm việc, kĩ năng giao tiếp, tạo điều kiện cho học sinh học hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực xã hội trên cơ sở làm việc hợp tác. Thông qua hoạt động nhóm, các em có thể cùng làm việc với nhau những công việc mà một mình không thể tự làm được trong một thời gian nhất định. Đối với cấp Tiểu học, việc rèn cho các em các kỹ năng học hợp tác nhóm là hết sức cần thiết, tạo điều kiện để các em có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh.    

          Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, trong đó có chú trọng đến phương pháp học hợp tác nhóm. Tuy nhiên trong những năm qua, qua thực tế dạy học ở các trường Tiểu học chúng
ta phải thừa nhận một thực tế rằng : phương pháp dạy học này chưa được phần lớn giáo viên sử dụng một cách thường xuyên, hoặc có sử dụng thì cũng còn mang tính hình thức , thường thì giáo viên chỉ thực hiện khi có thao giảng, dự giờ. Cũng qua thực tế cho thấy còn có thực trạng trên vì một số nguyên nhân như sau: 

- Đa số giáo viên chưa hiểu nhiều về phương pháp này. Theo họ thì học hợp tác nhóm là xếp các em vào một nhóm để cùng giải quyết một câu hỏi khó mà một em học sinh bình thường không thể giải quyết được;
- Nhiều giáo viên ngại sử dụng phương pháp này vì đòi hỏi phải chuẩn bị công phu khi soạn giáo án, quản lí khó khi tổ chức thực hiện trên lớp;
- Tốn nhiều thời gian.
Với thực tế thực tế dạy học của giáo viên hiện nay và yêu cầu về đổi mới PPDH cũng như vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục học sinh ,theo tôi, để thực hiện tốt phương pháp dạy học theo nhóm, giáo viên phải lưu ý một số vấn đề cơ bản sau đây: Học hợp tác nhóm là rèn cho học sinh một số kỹ năng:
-Kỹ năng giao tiếp, tương tác trẻ với trẻ. (Đó là: Biết lắng nghe và trình bày ý kiến một cách rõ ràng; Biết lắng nghe và biết thừa nhận ý kiến của người khác; Biết ngắt lời một cách hợp lí; Biết phản đối một cách lịch sự và đáp lại lời phản đối; Biết thuyết phục người khác và đáp lại sự thuyết phục.)
-Kỹ năng tạo môi trường hợp tác :
Đây là sự ảnh hưởng qua lại, sự gắn kết giữa các thành viên.
-Kỹ năng xây dựng niềm tin :
Đây là kỹ năng tránh đi sự mặc cảm nhất là đối tượng học sinh có khó khăn về học.
-Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn :
Đây là kỹ năng giúp học sinh tránh những từ ngữ dễ gây mất lòng nhau .Vì thế, trong thảo luận cần tránh những từ ngữ như đúng, sai mà cần thay vào đó những cụm từ như: thế này sẽ tốt hơn, tìm một giải pháp hợp lý hơn...
Để đạt được mục đích nêu trên, giáo viên cần chú ý:
      1. Về soạn giảng: 
 Giáo viên phải chọn những bài, những câu hỏi trong bài học có độ khó tương đối , có hướng mở, đòi hỏi có nhiều thời gian và nhiều người tham gia thảo luận , tranh cãi mới vỡ lẽ ra vấn đề. 
       2. Chia nhóm
Có nhiều cách chia nhóm. Tùy theo bài học hoặc tùy theo đặc điểm của lớp, ta có thể chia nhóm theo các cách sau đây:
- Nhóm gọi số : cho học sinh đếm số từ 1 đến 8, đếm cho hết số học sinh của lớp. Những em nào có số giống nhau thì được xếp vào một nhóm;
-Nhóm cùng trình độ hoặc đa trình độ do giáo viên lựa chọn;
- Nhóm theo biểu tượng: giáo viên chuẩn bị các biểu tượng có số lượng bằng nhau và phát ngẫu nhiên cho học sinh. Những học sinh có cùng biểu tượng thì được xếp vào một nhóm;
- Nhóm chọn bạn: học sinh có quyền chọn bạn để thành lập một nhóm;
- Nhóm cố định : do giáo viên chọn những em ngồi gần để thành lập một nhóm.( ngoài ra còn nhiều cách chia nhóm khác nữa).
*Một số lưu ý khi tiến hành chia nhóm (Phần này trong Chuyên đề GDKNS do phòng GD-ĐT Hồng Lĩnh tổ chức vừa qua, các đ/c giảng viên đã trình bày rất kĩ , GV có thể tham khảo thêm)
- Cần xác định số lượng thành viên trong mỗi nhóm. Số lượng thành viên trong hoạt động nhóm thì mỗi nhóm chỉ có từ 2 đến 5 thành viên là có hiệu quả nhất. Vì nếu nhóm có nhiều thành viên, mặc dù có nhiều năng lực được tham gia nhưng các kỹ năng như diễn đạt, phát biểu ý kiến, phối hợp các thành viên, thống nhất ý kiến, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, quản lí để nhiều học sinh tham gia khó có thể đạt được.
- Để hình thành kỹ năng học hợp tác nhóm, lúc đầu giáo viên nên bắt đầu từ nhóm đôi. Khi trẻ đã có kinh nghiệm, kỹ năng nhất định sẽ tổ chức nhóm với số lượng nhiều hơn.
Nếu nhóm trên 5 em, nhiều trẻ sẽ thụ động, hoặc chỉ trao đổi với một hay hai thành viên bên cạnh. Học hợp tác nhóm cần tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện các kỹ năng hợp tác và tham gia vào các hoạt động với sự thể hiện vai trò ra quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định đó, để cùng hưởng vui , buồn với kết quả của mình. Do vậy trẻ cần có thời gian để thích ứng với các hoạt động nhóm.
- Thời gian để một nhóm gắn kết với nhau là khoảng một học kỳ (vì để lâu sẽ gây tình trạng trì trệ, thiếu năng động, dựa dẫm vào nhau)
- Số lượng các thành viên trong nhóm nên chọn theo các năng lực đa dạng: giỏi, khá, trung bình, yếu và đa dạng về thành phần xuất thân, môi trường sống.
        3. Phân công trách nhiệm trong nhóm : 
Mỗi em trong nhóm đều phải có trách nhiệm trong nhóm mình. Việc phân công trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhóm là do chính nhóm đó đề xuất và thống nhất. Thông thường trong mỗi nhóm có các thành phần sau:
+ Trưởng nhóm : quản lí, chỉ đạo, điều hành nhóm hoạt động;
+ Thư kí : Ghi lại kết quả của nhóm sau khi được thống nhất;
+ Báo cáo viên: trình bày trước lớp kết quả công việc của nhóm;
+ Người theo dõi về thời gian.
Trách nhiệm này không phải cố định mà phải được thay đổi luân phiên sau mỗi lần sinh hoạt nhóm hoặc định kỳ do giáo viên hoặc tổ quy định. Nghĩa là mỗi thành viên đều được làm tổ trưởng, làm thư ký, làm báo cáo viên.
          4. Giao nhiệm vụ cho nhóm
Nhiệm vụ giao cho mỗi nhóm phải rõ ràng, ngắn gọn, đủ để các thành viên hiểu rõ về nhiệm vụ cụ thể của tổ mình phải làm gì, làm trong thời gian bao lâu; nếu cần giáo viên có thể giải thích thêm một vài từ ngữ, khái niệm..., kiểm tra thử một vài thành viên xem các em có hiểu được nhiệm vụ được giao hay chưa. Giáo viên cần gợi ý cho các nhóm để các bạn lâu nay ít được phát biểu, ít được đề đạt ý kiến của mình có quyền đưa ra câu trả lời trước nhất.
        5. Tổ chức quản lí nhóm
Cần nói rõ cho học sinh rằng đánh giá kết quả theo nhóm, không theo cá nhân. Học sinh cần nhận thấy mọi thành viên cần phải có trách nhiệm đóng góp, mọi thành viên đều phải hoàn thành công việc, mọi thành viên đều phải được lĩnh hội kiến thức. Thành công của nhóm chính là thành công của mỗi cá nhân.Vì thế trẻ cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Như đã nêu trên, vì câu hỏi khó và mở cần có nhiều ý trả lời nên mỗi thành viên trong nhóm phải tìm được cho mình một đáp án đúng. Cần ưu tiên cho những bạn yếu hơn đưa ra đáp án trước nhất và dễ nhất để các bạn này có cơ hội tham gia vào hoạt động chung của nhóm.
Trong quá trình học sinh hoạt động nhóm, giáo viên theo dõi tổng quát, phát hiện và hỗ trợ cho nhóm có khó khăn, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những lệch lạc của học sinh. Giáo viên phải hạn chế đến mức thấp nhất việc nói của mình trong khi các em đang hoạt động nhóm. Nếu cần, giáo viên cho cả lớp dừng lại để tập trung chú ý nghe giáo viên hướng dẫn thêm.
       6. Tổ chức báo cáo : 
Giáo viên cần quy định thời gian cụ thể cho các nhóm lên báo cáo; không chỉ trích các nhân cụ thể mà chỉ phân tích ý tưởng, suy nghĩ. Nói cách khác, trong tranh luận chỉ có quan điểm hợp lí và chưa hợp lí mà thôi.
Trong học hợp tác nhóm, trách nhiệm học tập của mỗi thành viên được chia sẻ. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm giúp đỡ, động viên lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ
Tổ chức dạy học nhóm là một hình thức dạy học mới. Đó là một trong những hình thức thực hiện tốt việc dạy học phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh. Với hình thức này, học sinh được hấp dẫn, lôi cuốn vào các hoạt động học, thu lượm kiến thức bằng chính khả năng của mình với sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên.
            Dạy học theo nhóm đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kĩ lưỡng kế hoạch dạy học, lựa chọn những nội dung thực sự phù hợp với hoạt động nhóm và thiết kế được các hoạt động giúp các em lĩnh hội, khám phá kiến thức mới một cách tốt nhất. 
          Chúc các bạn đồng nghiệp khi áp dụng phương pháp dạy học này sẽ phát huy tác dụng tích cực trong việc giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện được các kĩ năng giao tiếp cho học sinh. 
                                                                                         (Sưu tầm)
Category: Phương pháp dạy học | Added by: phuthanhphu89 (2011-10-05)
Views: 2025 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Sign Up | Log In ]
Bản quyền thuộc về Trương Thành Phú-An Cơ-Châu Thành- Tây Ninh© 2024